[PHP cơ bản] Biến và hằng trong PHP

Post on: 2016-09-27 15:24:56 | in: PHP
Biến và hằng là những kiến thức nền tảng của mọi ngôn ngữ lập trình trong đó có PHP. Bài này sẽ giúp bạn hiểu hơn về biến và hằng trong PHP.
Sau những bài hướng dẫn cài đặtgiới thiệu về PHP, từ bài này chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu những kiến thức đầu tiên trong PHP đó là biến và hằng.

Tóm tắt nội dung.

1.Giới thiệu về biến trong PHP.
    a.Quy định đặt tên cho biến trong PHP.
    b.Phạm vi của biến trong PHP.
2 Giới thiệu về hằng trong PHP.
    a.Cách tạo hằng trong PHP.
    b.Hằng số định nghĩa sẵn trong PHP.

Giới thiệu về biến trong PHP

Giống như trong toán học, biến sử dụng để lưu trữ một giá trị nào đó thông qua tên biến.

- Biến trong PHP được kí hiệu bắt đầu bằng dấu $ theo sau là tên của biến.

- Giá trị của một biến là giá trị của phép gán với toán tử "=" gần nhất của biến đó.

- Biến không cần phải khai báo trước khi gán, nó được tạo ra đầu tiền lúc bạn gán một giá trị cho nó.

- Biến có thể chuyển đổi từ kiểu dữ liệu này sang kiểu dữ liệu khác khi cần thiết.

Bạn có thể tìm hiểu về các kiểu dữ liệu trong bài các kiểu dữ liệu trong php.

Quy định đặt tên cho biến

- Một biến bắt đầu với dấu $ và theo sau là tên của biến.

- Tên biến phải bắt đầu bằng chữ cái hoặc dấu gạch dưới "_".

- Tên biến không được bắt đầu bằng số.

- Tên biến không được chứa dấu cách.

- Tên biến trong PHP có phân biệt chữ hoa và chữ thường.

Ví dụ

<?php 
    $ten_bien = 1; //tên biến đúng
    $_ten_bien ="tuhocweb"; //tên biến đúng
    $456 = 123; //tên biến sai
    $ten bien = 123; //sai nữa
?>

Phạm vi của biến trong PHP

Trong PHP, các biến thể được khai báo bất cứ đâu trong kịch bản. Phạm vi của một biến là phạm vi khả dụng biến có thể được tham chiếu, sử dụng.

Trong PHP có 3 phạm vi biến như sau:

- Biến cục bộ (local).

- Biến toàn cục (global).

- Biến tĩnh (static).

Biến cục bộ trong PHP

Một biến khai báo trong một hàm được coi là cục bộ và chỉ có thể được truy cập trong hàm đó. Bất kỳ khai báo biến nào bên ngoài hàm này được coi là một biến hoàn toàn khác với biến được chứa trong hàm đó.
Ví dụ.

<?php
   $x = 1;
   function test_bien() {
      $x = 0;
      print "Biến \$x có giá trị là $x. <br />";
   }
   test_bien();
   print "Biến \$x có giá trị là $x. <br />";
?>

Chạy code kết quả sẽ là:

Biến \$x có giá trị là 0.
Biến \$x có giá trị là 1.

Biến toàn cục trong PHP

Một biến khai báo bên ngoài một hàm được coi là toàn cầu và chỉ có thể được truy cập bên ngoài hàm đó. Nếu muốn sử dụng biến toàn cầu bên trong một hàm ta phải sử dụng từ khóa global trước các biến.

Ví dụ.

<?php
  $x = 15;
  $y = 5;
  function myTest() {
      global $x, $y;
      $y = $x + $y;
  }
  myTest();
  echo $y; // kết quả 20
?>

Nếu không có global hàm trên sẽ không có kết quả.

Biến tĩnh trong PHP

Thông thường, khi một hàm được hoàn thành/thực thi, tất cả các biến của nó sẽ bị xóa. Đôi khi chúng ta muốn có một biến cục bộ không được xóa, ta cần nó cho một công việc tiếp theo. Để làm được điều này ta sử dụng từ static khi lần đầu tiên khai báo biến.

Mỗi khi hàm được gọi, biến đó sẽ vẫn còn có những thông tin mà nó chứa từ lần cuối cùng các hàm được gọi.

Ví dụ.

<?php
function test_static() {
    static $x = 3;
    echo $x;
    $x++;
}
test_static();
test_static();
test_static();
?>

Kết quả sẽ là 3 4 5.

Giới thiệu về hằng trong PHP

Một hằng số là một định danh (tên) cho một giá trị đơn giản, giá trị của hằng không hề thay đổi trong quá trình thực thi. Tên hằng bắt đầu bằng chữ cái hoặc dấu gạch dưới "_" (không có dấu $ như biến).

Hằng cũng phân biệt chữ hoa và thường, nhưng theo quy ước các định danh hằng luôn là chữ hoa.

Không giống như biến, hằng số là tự động toàn cầu trên toàn bộ kích bản.

Tạo một hằng trong PHP

Để tạo ra một hằng số, sử dụng hàm define().
Ví dụ.

<?php 
    define("URL", tuhocweb.com);
    echo URL;
?>

Hằng số định nghĩa sẵn trong PHP

PHP cung cấp một số các hằng được định nghĩa trước: TRUE, FALSE, PHP_VERSION, _FILE_, _LINE_, __FUNCTION__, __CLASS__, __METHOD__ ...

Tổng kết

Vậy là kết thúc bài về hằng và biến trong PHP nhé, hi vong nó sẽ giúp được bạn hiểu biết về các khái niệm này đồng thời biết cách sử dụng chúng. Bài sau chúng ta sẽ tìm hiểu về kiểu dữ liệu trong PHP.
Tag: php cơ bản